Chiều 28/8, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lần 1 về Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050. Đây là lần đầu tiên Việt Nam lập Quy hoạch tổng thể về năng lượng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia là một trong 39 quy hoạch ngành quốc gia, đồng thời là một trong 27 quy hoạch kết cấu hạ tầng thiết yếu của đất nước. Công tác triển khai lập Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia đã được chuẩn bị từ lâu, trong đó, đơn vị tư vấn xây dựng quy hoạch được chọn gồm Liên danh Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) và Viện Dầu khí (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam).
Quy hoạch dự kiến bao gồm 4 phần và 13 chương. Đến nay, 5 chương đầu tiên – những nội dung tiền đề – đã hoàn thành theo Đề cương được duyệt. Các chương này tập trung đánh giá hiện trạng và tình hình thực hiện các phân ngành năng lượng trong giai đoạn vừa qua, tình hình dự báo phát triển năng lượng theo các kịch bản; Hiện trạng sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng (TKNL) ở Việt Nam cũng như tiềm năng, khả năng khai thác, khả năng cung cấp, định hướng phát triển sản xuất qua các ngành năng lượng…
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh, đánh giá đúng hiện trạng, thì mới có thể lập quy hoạch và định hướng phát triển tốt. Phải dự báo đúng tình hình, đặc biệt là tình hình phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam trong những năm sắp tới, mới có thể đánh giá chính xác về nhu cầu năng lượng cũng như vạch ra được một quy hoạch năng lượng hợp lý.
Theo ông Trần Mạnh Hùng – Trưởng phòng Kinh tế và Dự báo (Viện Năng lượng), phạm vi của Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia bao gồm toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng năng lượng toàn quốc, có xem xét đến yếu tố xuất nhập khẩu năng lượng với các quốc gia khác. Trong đó, nhu cầu năng lượng được tính toán và dự báo cho toàn bộ các ngành sử dụng năng lượng của nền kinh tế, bao gồm: Công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dân dụng và giao thông vận tải. Xây dựng phương án quy hoạch kết cấu hạ tầng cho 4 phân ngành chính: Than, dầu khí, điện lực và năng lượng tái tạo.
Cũng theo ông Trần Mạnh Hùng, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ về Quy hoạch điện VIII vào cuối tháng 9/2020. Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia và Quy hoạch điện VIII được triển khai gần như đồng thời nên có sự phối kết hợp thông tin, cũng như các giải pháp và cơ chế chính sách trong quá trình thực hiện.
Theo kế hoạch, sau Hội thảo lần 1, sẽ còn hai hội thảo (lần 2 và lần 3) được tổ chức trong tháng 9 và tháng 10 để lấy ý kiến tham vấn, góp ý của các cơ quan chức năng, chuyên gia và các nhà nghiên cứu trước khi Đề án được tổng hợp, hoàn thiện cho cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực năng lượng là Bộ Công Thương (dự kiến trong tháng 10/2020).
Nguyên Long